Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Nguyên nhân khiến nhiều đôi bạn thân tan vỡ

Tôi có một tình bạn rất đẹp, hai đứa thân nhau từ hồi học cấp 2, lúc nào hai đứa cũng cặp kè với nhau như hình với bóng. Đứa kia mà có chuyện, đứa này cũng cảm thấy không vui, đứa kia mà nghỉ học, y rằng đứa còn lại cũng không đi học luôn. Vậy mà chẳng biết từ khi nào, hai đứa tôi chẳng còn nói chuyện với nhau nữa, chẳng còn í ới hỏi han nhau mỗi ngày nữa, chẳng còn nghĩ đến nhau những lúc vui cũng như lúc buồn nữa. Dường như chúng tôi đã đánh mất tình bạn suốt bao nhiêu năm gắn bó, mà chẳng rõ nguyên nhân là do đâu. Cũng có đôi lần mâu thuẫn, cũng có một vài lần cãi nhau, nhưng tôi nghĩ đó không hẳn là lý do dẫn đến sự tan vỡ của tình bạn ấy. Thật lòng mà nói, tôi vẫn luôn cảm thấy không cam tâm vì chuyện tình bạn giữa hai chúng tôi tan vỡ không rõ lý do. Cho đến khi tôi đọc được một câu chuyện khá hay về tình bạn. Đọc xong câu chuyện ấy, tôi chợt hiểu ra tại sao tình bạn năm xưa của tôi lại tan vỡ đầy nuối tiếc như thế. Giờ tôi hiểu ra thì tình bạn ấy cũng không còn cứu vãn được, nhưng ít nhất nó làm tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn, và đặc biệt nó giúp tôi rút ra được cho mình nhiều bài học quý giá về tình bạn.



Hôm nay, tôi sẽ chia sẻ đến các bạn một số nguyên nhân khiến tình bạn thân thiết của chúng ta đi vào ngõ cụt, bị tan vỡ một cách không đáng. Hy vọng nó sẽ giúp các bạn có cái nhìn bao quát và sáng suốt hơn trong tình bạn, để giữ gìn và vun đắp cho tình bạn thân của mình luôn gắn bó bền lâu bên nhau.

1. Cái tôi cao ngất ngưởng

Đừng nói với tôi bạn chưa từng gạt bỏ mọi ý kiến đóng góp cũng như những lời góp ý thiện chí của bạn bè, chỉ vì cái tôi của bản thân quá cao. Khi chúng ta coi nhau là bạn và đã trở nên quá thân thuộc với nhau, có thể chúng ta sẽ vô tư, thoải mái hành xử với nhau mà chẳng cần bận tâm phải giữ ý tứ gì với người bạn thân của mình. Nhưng chính điều đó đã vô tình đẩy chúng ta thành một con người ích kỷ, chúng ta không hề nghĩ đến cảm xúc cảu bạn mình, chúng ta chỉ biết gào lến, hét lên và đòi hỏi người bạn đó phải làm theo ý mình, mà không hề nghĩ đến, bạn ấy cũng có mong muốn, cũng muốn được làm theo sở thích của bản thân. Thay vì ép bạn phải chiều theo ý mình, phải nghe theo mình mới là đúng, tại sao chúng ta không chịu lắng nghe ý kiến của người bạn đó, tại sao không thử hỏi bạn ấy có mong muốn, nhu cầu như thế nào. Đừng lúc nào cũng tự cho mình là đúng, tự cho mình cái quyền quyết định mọi chuyện. Đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn, ai cũng sẽ có cái lý riêng của mình, nhưng cũng đừng quá đề cao cái tôi của bản thân, mà quên đi tình bạn thân thiết bao lâu nay. Nếu cả hai lúc nào cũng đề cao cái tôi cá nhân, cũng luôn tự cho mình là đúng, luôn gạt bỏ những ý kiến của người còn lại. Thì chắc chắn tình bạn của hai người sẽ không bao giờ vui vẻ và lâu dài bên nhau được. Muốn có một tình bạn thân gắn bó keo sơn bên nhau mãi mãi, mỗi người hãy tự hạ thấp cái tôi của bản thân một chút, biết đặt mình vào vị trí của nhau, và suy nghĩ cho nhau trước khi đưa ra quyết định một việc gì đó. Ít nhất là hãy ngồi lại để thống nhất ý kiến, để lựa chọn phương án mà cả hai cảm thấy hài lòng và chấp nhận được. Trong tình bạn, không nên quá đề cao cái tôi cá nhân, nó rất dễ biến bạn trở thành một người bạn ích kỷ, xấu tính và khó chấp nhận.

2.  Không ai chịu nhường ai

Đã coi nhau là bạn bè thì hãy gạt bỏ cái suy nghĩ hơn thua nhau, so đo với nhau đi ngay lập tức. Bởi nếu trong đầu bạn lúc nào cũng tồn tại cái suy nghĩ so đo, tính toán với bạn bè, thì sẽ chẳng bao giờ bạn có được một người bạn chân thành ở bên mình. Bạn bè giận nhau mà chẳng ai chịu lên tiếng, cứ cố chấp thi gan với nhau thì cuối cùng mọi chuyện cũng đổ bể, chẳng có tình bạn nào có thể duy trì khi cả hai đều không có thiện ý hợp tác với nhau. Khi xảy ra tranh cãi, chúng ta nên cùng nhau nói chuyện để giải quyết khúc mắc và những gì bản thân cảm thấy không đồng ý với bạn, chứ không phải tỏ thái độ bực bội bằng cách im lặng không thèm nói chuyện. Bạn làm thế chỉ khiến tình bạn của hai người mau chóng tan vỡ, thiệt thân hai bạn chứ chẳng nói lên được điều gì. Giận hờn rồi chiến tranh lạnh với nhau, dẫn đến chẳng biết nói chuyện với ai, chẳng biết đi chơi với ai, tự nhiên lại đánh mất đi một người bạn thân thiết, một người tri kỷ luôn cặp kè bên mình bất cứ lúc nào. Như thế có đáng không? Tại sao coi nhau là bạn bè rồi mà vẫn hơn thua với nhau, không ai chịu nhường ai. Đã là bạn thân của nhau thì đâu có quan trọng việc ai xin lỗi trước, ai nhận lỗi trước đâu. Quan trọng là tình bạn của chúng ta sẽ gắn bó, sẽ hiểu nhau như thế nào sau mỗi lần mâu thuẫn, chứ đâu phải ra sức thể hiện bản thân mình đúng, để rồi tình bạn đi vào ngõ cụt, có nguy cơ tan vỡ lúc nào không hay.

3. Xâm phạm quyền riêng tư

Chúng ta vẫn thường quan niệm rằng, đã là bạn thân của nhau thì sẽ chẳng giấu diếm nhau bất cứ chuyện gì, chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện to chuyện bé đều chia sẻ với nhau. Vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ thì chúng ta đều san sẻ với người bạn thân của mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không có bí mật riêng, không gian riêng cho bản thân mình. Hãy thành thật với bản thân mình rằng, bạn cũng đã từng có bí mật không nói với bạn thân, bạn cũng đã từng có những chuyện không muốn kể với ai, kể cả người đó là bạn thân, bạn cũng đã từng không muốn cho ai biết những chuyện của riêng mình, không một ai kể cả bạn thân đến đâu. Ai trong số chúng ta cũng có một góc của riêng mình, và chúng ta đều không muốn bị ai xâm phạm đến cái góc riêng tư ấy. Vì thế đừng cố tình chen vào chuyện riêng của bạn mình, kể cả người đó với mình có thân nhau đến mấy, nhưng khi họ đã muốn giữ làm của riêng. Thì chúng ta nên tôn trọng quyết định ấy, đừng mượn cớ là bạn thân để soi mói, xâm phạm đến đời tư cá nhân khi người bạn đó không muốn cho ai biết. Đừng mượn danh nghĩa bạn thân để xâm phạm đến chuyện riêng tư của bạn ấy. Đó là hành động của một kẻ nhiều chuyện, thích xía vào chuyện của người khác, tò mò quá mức và không biết tôn trọng bạn bè. Liệu một con người như thế, có ai mong muốn kết thân với bạn.

4. Quá phụ thuộc vào bạn thân

Bạn thân là cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, là người bạn tri kỷ, là người chúng ta có thể dốc lòng tâm sự hay ỉ ôi đủ mọi thứ chuyện trên đời. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được cho phép bản thân mình phụ thuộc và quá dựa dẫm vào người bạn ấy. Chúng ta còn nhiều chuyện phải lo, còn nhiều mối quan tâm trong cuộc sống, chứ không phải chỉ sống để quan tâm và chú ý tới tình bạn thân của mình. Chính vì lẽ đó, chúng ta nên ý thức được việc mình không nên dựa dẫm quá nhiều vào bạn thân, điều đó khiến họ cảm thấy mình giống như một gánh nặng vậy. Đã bao nhiêu chuyện đau đầu, mệt mỏi giờ lại cộng thêm một gánh nắng, một cục nợ lúc nào cũng thở dài, kêu than rồi yêu cầu sự giúp đỡ. Thử hỏi có ai đủ sức để chịu đựng được điều đó. Rồi cũng sẽ có một ngày, người bạn đó cảm thấy ngao ngán và không đủ sức để tiếp tục làm người bạn thân của bạn nữa. Họ không thể lúc nào cũng phải gồng minh lên để che chở, bảo vệ và làm chỗ dựa thật vững chắc, luôn sẵn sàng cho bạn dựa bất cứ lúc nào. Hơn nữa có phải thi thoảng đâu, liên tiếp dựa dẫm, liên tiếp hô cứu trợ, liên tiếp đòi hỏi sự giúp đỡ, ai mà chấp nhận nổi. Bạn thân chứ không phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm lo cho cái thân của người bạn đó suốt đời. Đôi bạn cùng tiến chứ không phải mối quan hệ cộng sinh một phía.


Nếu ai nhìn thấy bóng dáng mình hoặc người bạn thân của mình ở những trường hợp trên thì thay đổi ngay và luôn nhé. Thay đổi để có một tình bạn thân lâu bền với thời gian. Thay đổi để mối quan hệ đó trở thành một tình bạn thân đúng nghĩa.

Theo Thám Tử Bách Tín

0 nhận xét:

Đăng nhận xét