Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

“Thám tử” săn hàng nhái


Chưa bao giờ vấn nạn về hàng nhái, hàng giả lại trở nên nóng bỏng như hiện nay. Hàng hóa (các loại) đã được làm nhái, giả một cách… có ý thức, quy mô và tinh xảo. Chức năng ngăn chặn, phòng chống, triệt hạ những cơ sở sản xuất, buôn bán các “mặt hàng” này đương nhiên thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Nhưng trước mắt, các doanh nghiệp chân chính vẫn phải tự bảo vệ mình. Tại công ty họ, từ nhiều năm nay, bộ phận “thám tử” chống hàng giả, hàng nhái đã âm thầm ra đời…
Nghề mạo hiểm

Đeo bám như cảnh sát điều tra. Am hiểu luật pháp như luật sư thực thụ. Ngoài ra, họ thường xuyên phải là… khách hàng, là con buôn, đôi khi nhập vai khách du lịch quốc tế để khám phá những đường dây sản xuất và tiêu thụ hàng giả, nhái. Mạo hiểm và lăn lộn với nghề. Nhưng rất ít “thám tử” muốn nói về công việc của mình đang làm.

“Thám tử” – anh là ai?

Văn phòng của công ty P. nằm ở tòa nhà số 8 đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM. P. là một công ty luật có tiếng trong cả nước. Phụ trách phòng tranh tụng và khiếu nại về vi phạm sở hữu công nghiệp của công ty là luật sư Nguyễn Thành Long. Ông Long giới thiệu: “Phòng này có chức năng giải quyết những vụ việc vi phạm hàng nhái, hàng giả. Chúng tôi tiếp nhận sự việc theo hai hướng: một là từ đơn đặt hàng gửi đến; hai là tự phát hiện, sau đó báo lại cho những khách hàng (chưa có quan hệ) sự việc nhãn hiệu của họ đã bị vi phạm. Nếu cần, họ sẽ ký hợp đồng nhờ chúng tôi xử lý”. Theo cách thông thường nhất, cứ nửa tháng các nhân viên của phòng này sẽ “xuống đường” một lần. Nhiệm vụ của họ là “thăm dò thị trường” bằng cách thị sát siêu thị, chợ đầu mối bán sỉ, các cửa hàng để xem những nhãn hiệu mà họ đứng ra bảo vệ có bị vi phạm không. Nếu phát hiện được dấu hiệu của việc buôn bán, sản xuất hàng nhái, hàng giả, văn phòng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng như Cục Sở hữu trí tuệ, Công an kinh tế, Quản lý thị trường để xử lý.

Luật sư Long cho biết, công ty ông thường ký được hợp đồng với những công ty đa quốc gia sản xuất nhiều mặt hàng có tiếng, bị nhái, giả nhiều tại Việt Nam. Trong đó có mỹ phẩm, dược phẩm, dệt may thời trang, xe gắn máy… Những công ty lớn như vậy rất coi trọng và thực hiện nghiêm ngặt việc bảo vệ nhãn hiệu của mình. Với họ, bỏ ra từ 200 USD/tháng cho việc bảo vệ một nhãn hiệu không có gì đáng nói. Ông Long kể: “Có công ty ký hợp đồng bảo vệ hai ba chục nhãn hiệu một lúc”. Có nghĩa là, ngoài việc được trang bị những kiến thức về “nghề”, về luật pháp, các “thám tử” phải luôn luôn ghi nhớ những tên tuổi, logo, màu sắc các nhãn hiệu mà mình được giao bảo vệ. Trong thời buổi hàng nhái, giả được sản xuất tinh vi như hiện nay, chỉ nhờ đôi mắt sắc lẹm và những cái đầu nhạy bén của họ mới phát hiện được đâu là hàng nhái, nhái bao nhiêu phần trăm, hàng nhái được sản xuất tại nước ngoài hay nội địa. Do vậy, ông Long nói: “Đôi khi, do không đủ người, chúng tôi phải thuê thêm bên ngoài để lấy thông tin. Họ có thể là một ông xe ôm, một cán bộ văn hóa, hay một nhân viên hải quan. Những người có khả năng nắm bắt địa bàn, thị trường, am hiểu và có quan hệ rộng”.
U. là một công ty đa quốc gia chuyên sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm như bột giặt, kem đánh răng, dầu gội đầu… Đặc thù của những mặt hàng này là dễ sản xuất nhưng để “bán được” thì chi phí quảng cáo, tiếp thị phải rất cao. Nhờ đó, U. đã định vị được trong tâm trí khách hàng những nhãn hiệu chất lượng và tương đối sành điệu. Lẽ đương nhiên, các nhãn hiệu càng nổi tiếng thì bị làm giả, làm nhái càng nhiều. Nói về công việc và những “nguồn tin” cung cấp hàng giả, nhái, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Trưởng ban Bảo vệ sở hữu trí tuệ của công ty U. cho biết: “Trước hết, chúng tôi nắm được thông tin về hàng nhái, hàng giả qua những người bán hàng và các nhà phân phối. Sau đó, nhân viên chống hàng giả sẽ được cử đi xác minh nguồn gốc, nơi sản xuất… rồi liên hệ với các công ty chức năng nhờ giúp đỡ, phối hợp xử lý vi phạm”. Vì thế, theo bà Lan, “mạng lưới” thông tín viên của U. có mặt ở mọi nơi trên đất nước. Riêng tại U., bộ phận chống hàng giả có 7 người gồm cả sếp, thư ký, nhân viên. Họ đều tốt nghiệp đại học và rất có kinh nghiệm thị trường vì đã từng trải qua thời gian làm nhân viên phòng bán hàng hoặc các lĩnh vực phải thường xuyên ở… ngoài đường. Tại U., bộ phận chống hàng giả được đặc biệt quan tâm về sự an toàn khi “hành nghề”.
Gian nan hành “nghề”
Mất hơn một tuần sau rất nhiều lần hẹn tôi mới gặp được Q., nhân viên bộ phận chống hàng giả của U. Bởi anh rất bận. Lúc đi “thăm dò” thị trường ở quận 6. Lúc thì đi phối hợp với công an kinh tế, quản lý thị trường… Gặp được Q. tại một góc kín đáo trong quán cà phê, anh lụp xụp với mũ, kính che gần kín khuôn mặt xương xẩu, hốc hác. Gắn trên đó là một đôi mắt sắc, liên tục đảo qua đảo lại. Q. giới thiệu mình đã có thời gian làm trong ngành công an. Hiện anh là nhân viên bộ phận chống hàng giả của U., khu vực phía Nam. Anh nói rất ít về công việc mình làm: “Từ những nguồn tin báo, tôi phải trà trộn vào thị trường để tìm hiểu cách thức mua bán, vận chuyển, sản xuất hàng nhái, hàng giả. Công việc chỉ có thế. Nhưng sự nguy hiểm đến từ người sản xuất hàng giả. Họ ý thức về việc mình đang làm nên che giấu, ngăn ngừa, thậm chí đe dọa nếu biết cơ sở của họ đang bị dòm ngó”. Anh Q. buồn buồn khi lý giải: “Đương nhiên là họ thù mình. Một cơ sở sản xuất hàng giả có giá trị từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Chỉ bị phát hiện và bắt một lần coi như tán gia bại sản, thậm chí đi tù. Cho nên, với tôi, trước khi được sự quan tâm của công ty, của pháp luật thì trước mắt phải bảo vệ mình”.
Q. có một thói quen bất di bất dịch: Không bao giờ nói công việc mình làm, cảnh giác với mọi người và không tiết lộ số điện thoại với bất kỳ ai. Anh kể về một lần bị “can thiệp” qua điện thoại: “Lần đó, tôi theo dõi một cơ sở. Vừa bước ra, lập tức nhận được điện thoại của một người. Tôi giật mình. Anh ta giới thiệu mình là… nhà báo. Qua điện thoại, anh ta hỏi tôi có phải làm ở U. tại bộ phận chống hàng giả không. Rồi ảnh “ngỏ lời” đe dọa và khuyên tôi từ bỏ công việc đang làm. Theo thói quen tự vệ, tôi không nói mình là ai và cảnh cáo ảnh không được dò la, can thiệp vào việc người khác”. Sau này, tự Q. truy tìm và biết được ai cung cấp số điện thoại của mình cho người xưng là nhà báo. Ngoài ra, Q. còn biết anh ta có “quan hệ” tương đối khăng khít với cơ sở sản xuất hàng giả đó.
W. là một công ty sở hữu trí tuệ có văn phòng đặt tại TP.HCM. Ông Lê Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc công ty cho biết: “Phụ trách mảng chống hàng nhái, hàng giả có năm nhân viên. Họ đều có trình độ đại học, chủ yếu về luật. Ngoài ra, nhân viên của chúng tôi được đào tạo tại những khóa học về sở hữu trí tuệ cả trong và ngoài nước. Ngoài tố chất con người như khéo léo, tinh tế trong cư xử; họ được trang bị thêm những công cụ hành nghề như máy ảnh, máy ghi âm, đi công tác xa trong trường hợp nguy hiểm được sử dụng ô tô để tác nghiệp”. Bản thân ông Hoàng đã có khoảng thời gian dài từ năm 1991 đến nay công tác tại mảng này. Qua đó, đã phá được nhiều vụ tranh chấp từ việc làm hàng nhái, giả như vụ vi phạm một nhãn hiệu thuốc lá, vụ vi phạm về những mặt hàng động cơ phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp… Đến nay, ông Hoàng đã “kinh qua” trên 300 vụ. Ông kể ra một số “tai nạn” gần đây: Một lần, phải điều tra vụ làm hàng nhái tại Chợ Lớn, các “thám tử” phải đi lòng vòng bằng xe gắn máy trên 100 cây số mỗi ngày. Cứ sà vào hỏi thăm sạp hàng nào là được “tận tình” mắng: “Mua không mua hỏi thăm cái gì?”. Để làm được vụ này, các “thám tử” phải thường xuyên đóng vai… khách du lịch lân la các cửa hàng để rình chụp ảnh hàng nhái. Nhiều lần bị chửi thẳng vào mặt. Một vụ khác, các “thám tử” phát hiện được việc treo biển quảng cáo nhái nhãn hiệu. Lân la, lần mò làm quen và vừa… giơ máy ảnh lên chụp thì người trong cửa hàng lập tức xông ra đuổi. “Thám tử” vội nhảy phắt lên xe máy dzọt thẳng. Người cửa hàng xách xe đuổi theo hai cây số mới trở về. Vụ đó là vụ vi phạm nhãn hiệu về quạt tại một cửa hàng ở một quận có các chợ “khét tiếng” về buôn bán hàng nhái, hàng giả.
Phóng sự của Thiếu Gia
(Theo ThanhNien)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét